Bài cảm nhận
VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG VĂN HỌC
Có ai đó nói rằng: “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, hình ảnh họ đã đi vào những trang viết trong suốt các thời kì văn học từ trước đến nay, để rồi không phải làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc.Theo dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ vẫn xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, người phụ nữ với những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, những cung bậc cảm xúc phức tạp, những trăn trở cuộc đời, họ đã đến và để lại cho nền văn học Việt Nam và trong lòng độc giả những ấn tượng thật sâu sắc và đẹp đẽ.
Trong kho tàng văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng, hình ảnh người phụ nữ thực sự nổi bật và chiếm một số lượng lớn. Họ xuất hiện qua những lời ca tiếng hát về tình yêu, gia đình, bạn bè, lòng yêu nước, và cả những tiếng than thân trách phận. Ca dao ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ về cả ngoại hình lẫn tính cách, về ngoại hình, chủ yếu ta nhận thấy ca dao ca ngợi những nét đẹp tính nữ của những cô gái đang thì xuân xanh, ở tuổi đẹp nhất của người con gái. Đó là những chuẩn mực thẩm mĩ mà người ta gán cho người con gái: thắt đáy lưng ong, má lúm, răng đen, mắt bồ câu, miệng chúm chím, mắt lá răm, lông mày lá liễu,…
“Tóc đến lưng vừa chừng em bới,
Để chi dài, bối rối dạ anh!”
Hoặc: “Tóc em dài, em cài hoa lý,
Miệng em cười có ý em thương”
Về phẩm chất, người phụ nữ trong ca dao từng thời kỳ được ngợi ca với những phẩm chất khác nhau, hòa hợp với chuẩn mực xã hội thời đó. Ví như trong ca dao thời phong kiến, phụ nữ được đánh giá cao ở đạo “tam tòng, tứ đức”, tức là phải giỏi nữ công, trung trinh thờ chồng, một hai cũng chỉ sống cuộc đời vì chồng, vì con, thủy chung son sắt. Còn trong chiến tranh, phụ nữ đẹp là những cô dân quân, cô du kích yêu nước, gan dạ, dấn thân,… theo như “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Còn trong Văn học viết, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện không chỉ phải đối diện với hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt mà còn bị áp bức bởi những thế lực tàn bạo trong xã hội, những hủ tục của lễ giáo phong kiến nhưng họ vẫn cho thấy những nét đẹp cao quý của bản thân. Điều này sẽ được thể hiện qua ngòi bút của nhiều tác giả của thời đại nhưng tiêu biểu nhất có thể kể đến là trang viết của các tác giả như Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có đoạn miêu tả tài sắc chị em nhà họ Vương:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Kiều lại càng thêm bừng sáng:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
Hay trong bài “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Xuân Hương:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”
Người phị nữ dù còn chịu nhiều bất hạnh do ý thức xã hội, nhưng vượt lên tất cả họ giữ được những phẩm chất tốt đẹp nhất. Dù đau đớn thế nào, dù yếu ớt đến đâu thì trong sâu thẳm trái tim Hồ Xuân Hương cũng ánh lên ngọn lửa khao khát, hi vọng, không chịu khuất phục mà muốn vùng lên đấu tranh thay đổi cuộc sống của mình (bài thơ Tự Tình); hay vẻ đẹp đời thường của người vợ, người mẹ được Tú Xương khắc họa sinh động qua hình ảnh Bà Tú (bài thơ Thương Vợ).
Và cho dù có vất vả, đau xót đến mức nào, thì người phụ nữ Việt Nam xưa vẫn là những con người có những phẩm chất đẹp đẽ, không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn là ở tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự kiên cường và một tấm lòng cao cả. Đấy là một cô gái dân tộc thiểu số không đầu hàng trước cường quyền, thần quyền, tự vùng dậy để quyết định cuộc đời mình như Mị trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) hay nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trước sự hủy diệt của cái đói và cái chết.
Phụ nữ giống như những bông hoa, mỏng manh nhưng không kém phần kiên cường, có đóa hoa đẹp về màu sắc nhưng có đóa hoa lại ngát hương thơm, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là nuôi dưỡng sức sống cho cuộc đời, luôn hết mình khoe sắc và giữ gìn giống nòi cho muôn đời sau. Qua các tác phẩm văn học, một lần nữa chúng ta lại càng yêu thương và tự hào về những vẻ đẹp của những con người “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang” ấy.
Sóc Trăng, ngày 15 tháng 05 năm 2024
Trần Thị Kim Hồng – Gv trường THPT DTNT Huỳnh Cương