Có ý kiến cho rằng: “Văn hay chỉ cần đọc mở bài”. Mới nghe có vẻ cực đoan, nhưng không phải không có lí. Tất nhiên nếu chỉ đọc mở bài thì không thể đánh giá được toàn bộ bài làm, nhưng phần mở bài có một vai trò đặc biệt quan trọng trong một bài văn. Nó có tác dụng chi phối quá trình tiếp nhận của người đọc (nghe) và quá trình tạo lập văn bản của người viết (nói). Khi có một mở bài đáp ứng “đầy đủ yêu cầu”, thậm chí “hay” thì “dòng văn” sẽ tuôn trào. Ngược lại, sẽ khiến bài viết thiếu sinh khí, ý tứ trở nên rời rạc.
CHUYÊN ĐỀ:
“MỞ BÀI TRONG VĂN NGHỊ LUẬN”
I. PHẦN MỞ ĐẦU:
Có ý kiến cho rằng: “Văn hay chỉ cần đọc mở bài”. Mới nghe có vẻ cực đoan, nhưng không phải không có lí. Tất nhiên nếu chỉ đọc mở bài thì không thể đánh giá được toàn bộ bài làm, nhưng phần mở bài có một vai trò đặc biệt quan trọng trong một bài văn. Nó có tác dụng chi phối quá trình tiếp nhận của người đọc (nghe) và quá trình tạo lập văn bản của người viết (nói). Khi có một mở bài đáp ứng “đầy đủ yêu cầu”, thậm chí “hay” thì “dòng văn” sẽ tuôn trào. Ngược lại, sẽ khiến bài viết thiếu sinh khí, ý tứ trở nên rời rạc.
Với mong muốn giúp học sinh từng bước rèn luyện năng lực viết văn nghị luận, đồng thời hệ thống hoá kiến thức qua thực tiễn giảng dạy của bản thân, tôi xin báo cáo chuyên đề: “Mở bài trong văn nghị luận”.
II. PHẦN NỘI DUNG:
Thực trạng:
1.1. Ưu điểm:
Văn nghị luận là một thể loại có truyền thống lâu đời, có giá trị và tác dụng to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Văn nghị luận phản ánh rõ đời sống tinh thần, tình cảm; tư tưởng, quan điểm, lập trường, ý chí và khát vọng của con người (về một vấn đề xã hội hay trong lĩnh vực văn học). Đây cũng là lối văn thiên về trình bày các ý kiến, quan điểm, lí lẽ của bản thân trước một hiện tượng hoặc một vấn đề (xã hội hay văn học) bằng hệ thống luận điểm, luận cứ và lập luận chặt chẽ, rõ ràng, trong sáng, hùng hồn và giàu sức thuyết phục, kết hợp sử dụng một số thao tác lập luận chính như giải thích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, phân tích, bình luận.
Nhìn từ nội dung, văn nghị luận có thể chia thành hai loại lớn: nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Thứ nhất, nghị luận văn học với ba dạng chủ yếu: nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ (hay một hình tượng thơ, hoặc một số phương diện nào đó của bài thơ); nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi (có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; hay chỉ một phương diện, một khía cạnh của tác phẩm; hoặc so sánh một hình tượng, một phương diện nào đó của một số tác phẩm, đoạn trích); nghị luận về một ý kiến bàn về văn học (văn học sử, lí luận văn học, tác phẩm văn học, tác giả văn học, …). Thứ hai, nghị luận xã hội với ba dạng bài cụ thể: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
Bài văn nghị luận có bố cục ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó, phần mở bài (phần đặt vấn đề) là khâu đầu tiên của bài văn và có tầm quan trọng thực sự đối với người viết. Phần này không chỉ có nhiệm vụ thông báo ngắn gọn, rõ ràng chủ đề của bài văn mà còn có chức năng “tấn công vào sự thờ ơ”, nhằm đặt đối tượng vào một trạng thái tâm lí tích cực, thuận lợi nhất để chờ đón phần giải quyết vấn đề.
1.2. Hạn chế:
Có thể nói, khâu mở bài trong văn nghị luận chỉ chiếm số dòng tương đối khiêm tốn, nhưng để viết tốt đòi hỏi sự cố gắng từ phía người dạy lẫn phía người học. Vì đối tượng học sinh của chúng ta có trình độ nhận thức và quá trình rèn luyện chưa đồng đều.
Tuy vậy, vẫn có nhiều học sinh rất “say mê” môn học, khao khát lĩnh hội và sáng tạo, nên đã nỗ lực tự rèn với nhiều hình thức. Với phương châm “học sinh là đối tượng trung tâm”, mục đích cuối cùng trong công tác giảng dạy của người thầy là học sinh phải “biết, hiểu và vận dụng”. Việc làm đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn xuất phát từ “cái tâm” của người thầy. Trong quá trình giảng dạy, tôi rất trân trọng trước những mong muốn, băn khoăn của học sinh: “Thưa cô, khi viết bài văn, em thường mất rất nhiều thời gian để làm mở bài. Xin cô chỉ cho em một vài cách để làm một mở bài ngắn gọn mà đầy đủ các yêu cầu!” hay “Là một học sinh yêu văn, em luôn mong muốn bài văn của mình có mở bài thật lôi cuốn, hấp dẫn, sáng tạo.”
Thực tế trong nhiều bài văn, có những mở bài khá tốt. Bên cạnh đó, một số ít bài văn đã thể hiện sự cẩu thả, luộm thuộm ngay khâu mở bài. Tôi cảm thấy trăn trở trước những bài làm còn yếu kém từ kiến thức cho đến kĩ năng. Đó là kết quả của quá trình nhận thức và thể nghiệm còn “non nớt” của các em học sinh. Ta có thể quy về một số lỗi sau:
Thứ nhất, dẫn dắt vòng vo, xa ý chính cần nêu.
Thứ hai, dẫn ra ý không liên quan gì đến vấn đề trọng tâm.
Thứ ba, sa vào những chi tiết cụ thể, những nội dung lẽ ra chỉ trình bày ở thân bài.
2. Nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế:
2.1. Nguyên nhân khách quan:
Đầu tiên, ta có thể nói đến sự tác động của khoa học kĩ thuật làm “chao đảo” nhất thời trong nhận thức của một bộ phận thanh niên học sinh dẫn đến hiện tượng “học lệch”. Vì thế, bộ phận này xem viết văn là công việc “bắt buộc” nên cho ra sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.
Thứ đến, trong thời đại của Internet, mọi thông tin có thể được tìm thấy nhanh chóng, đó là điểm tích cực. Nhưng lại dẫn đến một hiện trạng “chây lười”, “sao chép”, chỉ chú trọng “lượng” thông tin mà không chú ý diễn đạt (bị ảnh hưởng bởi “ngôn ngữ mạng” tràn lan của “tuổi teen”), dẫn đến sự “xơ cứng” về ngôn từ. Vì thế, tính khoa học của môn Văn, đặc biệt là phân môn Tập làm văn (nói chung) bị tác động mạnh.
2.2. Nguyên nhân chủ quan:
Ngay từ đầu, người học chưa có ý thức trang bị những kĩ năng cần thiết, kết hợp động thái học tập chưa tích cực thì hệ quả tương ứng xảy ra là tất yếu. Điều đáng nói ở đây, hệ quả lại không mang tính “nhất thời” mà nó ảnh hưởng “day dẳng” ở học sinh. Bên cạnh đó, phải chăng còn là phương pháp dẫn dắt của người dạy chưa thật sự hiệu quả?
Nhìn chung, trước thực trạng và những nguyên nhân trên, những ai tâm huyết với nghề đều cảm thấy day dứt, trăn trở, và mong muốn tìm ra những phương pháp phù hợp với đối tượng, nhằm hoàn thiện nhận thức và kĩ năng của học sinh trong làm văn nghị luận.
III. CÁC BIỆN PHÁP, GIẢI PHÁP ĐÃ THỰC HIỆN:
3.1. Nắm được yêu cầu của phần mở bài:
3.1.1. Bố cục của phần mở bài:
Mở bài như một đoạn văn hoàn chỉnh, thường có ba phần:
Phần đầu, nêu những câu dẫn dắt vào đề (luận đề). Nội dung dẫn dắt thường phải ngắn gọn (nhất là mở bài trực tiếp), gần gũi và có liên quan đến vấn đề chính mà bài văn sẽ đề cập tới. Phần dẫn vào đề có thể là lời văn của người viết, có thể là câu thơ (đoạn thơ) của một tác giả, là câu chuyện nhỏ (câu nói) của một nhân vật nổi tiếng (một nhà văn, nhà phê bình hoặc nhà văn hoá nào đó, …).
Phần thứ hai, nêu vấn đề trọng tâm của bài viết (nêu luận đề). Vấn đề này có thể đã nêu rõ trong đề, hay người viết tự khái quát thành luận đề và nêu lên. Đối với loại đề phân tích, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật thì phần này thường nêu lên ấn tượng chủ đạo, bao trùm toàn bộ tác phẩm mà người viết cảm nhận được.
Phần cuối, đoạn mở bài thường nêu giới hạn vấn đề và phạm vi tư liệu mà bài viết sẽ trình bày. Phần này thường nêu rõ trong đề bài, người viết chỉ nêu lại yêu cầu và đoạn trích, câu trích ở đề bài.
Chẳng hạn, ta có đề sau: Bình luận và làm sáng tỏ ý kiến của Phạm Văn Đồng: “Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo”.
Mở bài: Thần thoại Hi Lạp còn để lại một câu chuyện đầy cảm động về Ăng-tê và Nữ thần Đất Mẹ Gai-a (1). Thần Ăng-tê sẽ không bao giờ bị quật ngã nếu chàng luôn bám chặt vào Đất Mẹ (2). Mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống phải chăng cũng giống như Ăng-tê và Đất Mẹ, đúng như Phạm Văn Đồng có lần đã khẳng định: “Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo” (3). Lịch sử văn học- nghệ thuật đã chứng minh rất rõ điều đó (4).
Nhận xét: Các câu (1) và (2) là những câu dẫn dắt vào đề; câu (3) là câu nêu luận đề (người viết tự khái quát) và trích dẫn; câu (4) có tác dụng nêu lại yêu cầu, giới hạn vấn đề mà bài viết sẽ trình bày.
3.1.2. Những điều cần tránh khi viết mở bài:
Từ thực trạng làm bài của học sinh, ta có thể rút ra ba điều lưu ý cần tránh khi viết mở bài:
Thứ nhất, tránh dẫn dắt vòng vo, xa ý chính cần nêu. Tức là, cần tránh viết rất dài mới dẫn được vào vấn đề trọng tâm.
Thứ hai, cần tránh dẫn ra ý không liên quan gì đến vấn đề trọng tâm.
Thứ ba, khi viết mở bài không nên sa vào những chi tiết cụ thể, những nội dung lẽ ra chỉ trình bày ở thân bài.
3.1.3. Những điều kiện để có một mở bài hay:
Thứ nhất, mở bài phải ngắn gọn và đầy đủ. Nghĩa là người viết phải dẫn dắt ngắn gọn, nêu vấn đề trọng tâm ngắn gọn và giới hạn vấn đề ngắn gọn.
Thứ hai, mở bài phải gây sự chú ý của người đọc về vấn đề sẽ viết. Tức là, một mở bài hay thì phải có tính độc đáo. Muốn thế cách nêu vấn đề phải bất ngờ và khác lạ, câu dẫn dắt tưởng như xa mà lại rất gần gũi và sát hợp với vấn đề chính cần nêu.
Thứ ba, mở bài được viết tự nhiên, giản dị nhưng sinh động, không cầu kì, giả tạo. Làm thế nào để tạo sự “tự nhiên”? Câu đầu tiên của mở bài là câu quyết định giọng điệu của bài văn có tự nhiên hay không và nó cũng là câu chi phối giọng điệu của cả bài viết.
Đề bài: Bình luận về cảm hứng nhân đạo của Nam Cao và Thạch Lam qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Hai đứa trẻ”.
Mở bài: Đau đớn, quằn quại, Chí Phèo chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện (1). Mòn mỏi, leo loét, hai đứa trẻ trong truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam âm thầm tiến đến cái “chết” ngay khi chúng đang sống (2). Hai cuộc đời, hai kiếp người cùng vọng lên tiếng kêu thống thiết đòi được “sống”; sống làm người lương thiện và sống đúng nghĩa với từ này (3). Nam Cao và Thạch Lam bằng trái tim nhân ái của người nghệ sĩ chân chính, bằng tài năng riêng của mình đã nâng đỡ và cứu vớt những kiếp người đáng thương ấy, đã gióng lên những hồi chuông vang vọng và khẩn khiết: hãy cứu lấy con người (4).
Nhận xét: Mở bài trên đã đáp ứng tốt các điều kiện của một mở bài hay: ngắn gọn, đầy đủ, độc đáo và tự nhiên. Các câu (1), (2) là phần dẫn dắt ngắn gọn, tự nhiên, nêu chính xác số phận mang tính bi kịch của các nhân vật trong hai tác phẩm (trước Cách mạng tháng Tám) của hai nhà văn Nam Cao và Thạch Lam. Cấu trúc câu ngắn, có tính đăng đối; dùng từ “trúng” bản chất; ngắt nhịp dài ngắn đan xen, phối thanh nhịp nhàng; thao tác lập luận so sánh tương đồng, có tính tăng tiến; giọng văn như “cay độc, dửng dưng” nhưng thật ra “dồn nén, dư ba”. Câu (3) và (4) là sự khẳng định luận đề. Đồng thời phần giới hạn vấn đề cũng được giới thiệu lồng ghép trong các câu.
3.2. Hướng dẫn một số cách mở bài trong văn nghị luận:
3.2.1. Mở bài trực tiếp (trực khởi) trong văn nghị luận:
Cách mở bài này nhằm giới thiệu ngay vấn đề cơ bản sẽ trình bày (giải quyết) trong phần thân bài. Nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều có thể sử dụng cách mở bài này. Ưu điểm của nó là ngắn gọn, nghĩa là trả lời thẳng câu hỏi: Bài viết bàn về vấn đề gì ?
Như đã nói khâu mở bài bao gồm 3 phần: Phần dẫn dắt vào đề, phần nêu luận đề, và phần giới hạn vấn đề.
Đề 1: Các Mác từng nhận định: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý”. Hãy nêu cách giữ gìn tình bạn.
Mở bài: Các Mác, người cha dẫn dắt, soi đường cho lí tưởng cách mạng vô sản trên thế giới, từng nhận định về một khía cạnh rất cao đẹp trong cuộc sống rằng: “Tình bạn chân chính là viên ngọc quý” (1). Nhưng để viên ngọc ấy mãi sáng đẹp thì con người thật sự phải biết cách gìn giữ cẩn thận (2). Tình bạn là quý giá và nó cũng cần được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi những chủ nhân của mình (3).
Nhận xét: Các câu (1) và (2) là câu dẫn dắt kết hợp giới hạn vấn đề ; câu (3) nêu luận đề.
3.2.2. Mở bài gián tiếp (lung khởi) trong văn nghị luận:
3.2.2.1. Mở bài kiểu giới thiệu tác giả, tác phẩm:
Mở bài bằng cách giới thiệu tác giả, tác phẩm thường được sử dụng cho kiểu bài nghị luận văn học.
Cách làm:
Thứ nhất, sơ lược về tiểu sử tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh nảy sinh vấn đề, hay ngữ cảnh của lời nói).
Thứ hai, nêu luận đề.
Thứ ba, nêu giới hạn vấn đề.
Lưu ý: Khi làm mở bài kiểu này, cần tránh nêu thông tin thừa, hay nêu thông tin bắt đầu từ những phạm vi quá rộng so với vấn đề cần nghị luận.
Đề bài: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ.
Mở bài: Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ thời chống Mỹ (1). Trong phong trào ấy, Xuân Quỳnh nổi lên như một tiếng thơ trẻ trung, tươi mát, đầy nữ tính (2). Cũng bám sát cuộc sống lao động và chiến đấu anh hùng của con người Việt Nam, nhưng Xuân Quỳnh còn thể hiện được cả một khát vọng mãnh liệt về tình yêu (3). Điểm đặc sắc trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh là vừa khát khao một tình yêu lí tưởng vừa hướng tới một hạnh phúc thiết thực của đời thường (4). Tất cả những điều ấy được thể hiện trong một tiếng thơ giản dị, hồn nhiên gần như bản năng vậy (5). Nhắc đến Xuân Quỳnh người ta thường nhắc đến những thi phẩm “Thuyền và biển”, “Thư tình cuối mùa thu”, “Tự hát”, …và nhất là “Sóng”, rút từ tập “Hoa dọc chiến hào” (6). Có thể nói, “Sóng” đã kết tinh được tất cả những gì là sở trường của hồn thơ Xuân Quỳnh (7).
Nhận xét: Các câu (1), (2) và (3) dẫn dắt vào đề, giới thiệu sơ lược về tác giả; câu (4) nêu luận đề; các câu (5), (6) và (7) giới hạn vấn đề.
3.2.2.2. Kiểu tương đồng (tương liên, so sánh):
Tương đồng là gần giống nhau, tương tự nhau. Người viết phải thực sự khéo léo, linh hoạt, phải có kĩ năng vững vàng, kiến thức sâu rộng, người viết mới sử dụng thành công kiểu mở bài này.
Cách làm:
Đầu tiên, người viết kể một câu chuyện, câu nói của danh nhân (người nổi tiếng), hoặc một (vài) câu thơ (lời hát) có liên quan đến nội dung vấn đề cơ bản, có tác dụng dẫn dắt.
Tiếp theo, nêu luận đề.
Cuối cùng, nêu giới hạn vấn đề.
Đề bài: “Tống biệt hành” là sự thăng hoa đột xuất của ngòi bút Thâm Tâm.
Mở bài: Vị trí của Thâm Tâm đối với Thơ mới có cái gì na ná như Thôi Hiệu đối với thơ Đường (1). Nếu chọn mười nhà thơ Đường lớn nhất, chưa chắc đã có Thôi Hiệu, nhưng nếu chọn mười bài thơ Đường hay nhất không thể không có “Hoàng Hạc lâu” (2). Vâng, kể mười nhà thơ mới lớn nhất không chắc có Tâm Tâm, nhưng chọn mười bài thơ mới hay nhất khó có thể bỏ qua “Tống biệt hành” (3). Thi phẩm là sự thăng hoa đột xuất của ngòi bút Thâm Tâm (4).
Nhận xét: Các câu (1) và (2) dẫn vấn đề có tính gần gũi với luận đề; câu (3) giới hạn vấn đề; câu (4) luận đề.
3.2.2.3. Kiểu tương phản:
Kiểu mở bài này làm cho người đọc chú ý bởi những thông tin ngược chiều, làm nổi bật sự cần thiết của vấn đề. Đây là cách mở bài khó nhưng hấp dẫn, độc đáo, mang đậm dấu ấn của người viết.
Cách làm:
Thứ nhất, người viết đề cập nội dung trái ngược với đề bằng cách kể một câu chuyện, câu nói của danh nhân, hoặc một (vài) câu thơ,… có tác dụng dẫn dắt.
Thứ hai, nêu luận đề.
Thứ ba, nêu giới hạn vấn đề.
Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích”- một “căn bệnh” gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.
Mở bài: Sau khi đánh bại hai kẻ thù vô cùng nguy hiểm là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng phấn đấu để đưa đất nước đi lên (1). Thành tựu của những nỗ lực đó là nước ta đang trên đà phát triển, được bạn bè quốc tế đánh giá cao (2). Nhưng song song cùng với sự phát triển đó luôn tồn tại những mặt trái, mặt tiêu cực (3). Trong xã hội có nhiều mặt tốt mà cũng không ít mặt xấu, nổi bật là “bệnh thành tích” (4).
Nhận xét: Câu (1) và (2) dẫn dắt nêu những thông tin, sự kiện có nội dung trái ngược với vấn đề cơ bản; câu (3) nêu luận đề; câu (4) giới hạn vấn đề.
3.2.2.4. Mở bài dựa vào sự kiện lịch sử:
Đây là kiểu mở bài xuất phát từ sự kiện lịch sử; người viết có thể dựa thẳng vào sự kiện lịch sử để nhập đề, với điều kiện phải nhớ chính xác sự kiện ấy (có thể sử dụng câu nói của danh nhân (người nổi tiếng), hoặc một (vài) câu thơ (lời hát) về sự kiện để dẫn dắt).
Cách tiến hành:
Bước 1, dẫn dắt bằng sự kiện lịch sử.
Bước 2, nêu luận đề.
Bước 3, giới hạn vấn đề.
Lưu ý: Trong quá trình viết, nếu người viết không cẩn thận sẽ rơi vào lỗi dài dòng, lan man.
Đề bài: Trong hai câu đầu của “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Hãy giải thích.
Mở bài: Triều đình phong kiến cuối đời Trần càng lúc càng suy vong (1). Để cứu vãn đất nước, ổn định xã hội, tập trung sức mạnh phòng họa ngoại xâm của phong kiến Trung Hoa, Hồ Quí Li đã soán ngôi nhà Trần (2). Mượn cớ “diệt Hồ phò Trần”, quân Minh đưa người sang xâm lược (3). Lê Thái Tổ tổ chức kháng chiến, và Nguyễn Trãi trở thành người phò tá… Sau mười năm kháng chiến gian khổ, quân dân Đại Việt đã đánh thắng quân Minh vào cuối năm 1427 (4). Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi soạn “Bình Ngô đại cáo”, kể lại công cuộc kháng chiến gian khổ, công bố thắng lợi, trong đó có hai câu :
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”(5)
Hiểu rõ ý nghĩa hai câu ấy, chúng ta mới hiểu hết tấm lòng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đối với nhân dân, đất nước (6).
Nhận xét: Các câu (1), (2), (3) và (4) nêu sự kiện lịch sử cụ thể dẫn dắt; câu (5) nêu nội dung “Bình Ngô đại cáo” và giới hạn vấn đề ; câu (6) nêu luận đề, đồng thời giới hạn vấn đề.
3.2.2.5. Mở bài kiểu đặt câu hỏi:
Đây là cách mở bài tạo ấn tượng mạnh, kích thích hoạt động tư duy của người đọc; đồng thời cũng kích thích tư duy, khơi gợi ý tưởng của bản thân. Nhưng người viết phải cẩn thận nếu không sẽ có tác dụng ngược lại.
Đề bài: “Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người đọc bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc ai cũng biết cả rồi”.
(Nguyễn Đình Thi, Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Văn học, 1998)
Anh (chị) hãy bình luận câu nói trên và phân tích vài tác phẩm mà bản thân yêu thích để làm sáng tỏ quan niệm này.
Mở bài: Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình một chiếc lá thả mình vào dòng chảy vĩnh viễn của thời gian? (1) Một cốt truyện li kì, hấp dẫn? (2) Một vần thơ sâu chảy tự tâm hồn? (3) Để rồi một ngày kia khi tìm đến với những lời tri kỉ của Nguyễn Đình Thi, tôi chợt hiểu rằng, dáng lá trao mình ấy chính là sáng tạo mới mẻ, độc đáo về cách nhìn, tình cảm của người nghệ sĩ trong tác phẩm vậy! (4) “Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người đọc bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc ai cũng biết cả rồi” (5).
Nhận xét: Các câu (1), (2) và (3) là câu dẫn, hình thức câu hỏi; câu (4) nêu luận đề; câu (5) giới hạn vấn đề.
3.2.2.6. Kiểu diễn dịch hay qui nạp:
Mở bài theo kiểu diễn dịch, kiểu nhập đề đi từ cái chung, từ số nhiều đến chi tiết, đến một người, một sự việc. Lối nhập đề này đòi hỏi người viết phải có tầm nhìn bao quát và trí phán xét chính xác về vấn đề cần bàn luận.
Mở bài theo kiểu qui nạp là quan sát, rút tỉa từng chi tiết giống nhau trong cuộc sống rồi đưa về một khái niệm, một qui tắc tổng quát. Đây là một cách mở bài tương đối khó, nhưng thực hiện được sẽ tạo dấu ấn mạnh trong lòng người đọc. Cách mở bài này thường áp dụng cho những đề yêu cầu chứng minh, giải thích, bình luận một khái niệm.
Đề bài: Trong AIDS im lặng là chết.
Mở bài: Sống trước hết là tồn tại – sự tồn tại có ý thức (1). Ý thức thể hiện ở suy nghĩ và hành động (2). Ngược lại, chết có nghĩa là không tồn tại, không có ý thức, vô tri như cỏ, đá (3). Lựa chọn giữa sống – chết, chính là cuộc đấu tranh giữa nhận thức, lí trí và hành động trên bình diện tâm hồn (4). Một lần nữa, vấn đề ấy lại được đặt ra trong câu nói: “Trong AIDS im lặng là chết” (5).
Nhận xét: Mở bài kiểu quy nạp
Các câu (1), (2) và (3) dẫn dắt, nghĩa tương đồng với vấn đề cơ bản; câu (4) nêu luận đề; câu (5) nêu giới hạn vấn đề.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ:
1. Kết luận:
Khép lại chuyên đề, theo tôi, để có mở bài đáp ứng yêu cầu, mở bài hay, người học phải biết vận dụng các biện pháp, giải pháp nêu trên một cách linh hoạt, tuỳ vào đề bài, thể loại, năng lực, sở trường và vốn tri thức cùng sự trải nghiệm của bản thân. Mở bài sẽ phát huy vai trò quan trọng, tạo tâm thế sẵn sàng nếu nó đánh động “sự thờ ơ”, kích thích “trí tò mò”, khơi gợi “niềm hứng thú” đối với người đọc (nghe).
2. Kiến nghị:
2.1. Về phía học sinh:
Học sinh cần chú ý lắng nghe để biết, hiểu và vận dụng. Nhưng sự vận dụng này bao gồm quá trình thực hành theo sự hướng dẫn của người dạy và quá trình tự rèn với ý thức cao. Theo thời gian, người học sẽ quen dần kĩ năng tự rèn, tự cảm nhận sự thay đổi về năng lực, như ông bà ta thường nói “Trăm hay không bằng tay quen”. Nếu như người học chịu chú tâm rèn luyện viết nhiều thì không chỉ kĩ năng được nâng cao mà tâm hồn cũng dần hoàn thiện (“chân-thiện-mĩ”).
2.2. Về phía giáo viên:
Chúng ta phải phân loại đối tượng học sinh, nhằm tác động với phương pháp phù hợp, kĩ năng làm văn tương ứng; tăng cường sự thị phạm của người thầy, chú ý thực hành, sử dụng sự tích hợp trong dạy học. Do thời lượng của giờ lên lớp hạn hẹp, người thầy cần phải tinh giảng. Ngoài ra, chúng ta phải giúp học sinh thấy rõ văn nghị luận không chỉ có ở trường phổ thông mà còn trong quá trình giao tiếp ngoài xã hội. Vì thế, ngoài kiến thức và phương pháp vững vàng, người thầy phải tận tâm dùng ngôn ngữ mang tính sư phạm, khéo léo khuyến khích, động viên, tạo không khí thân thiện, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, để học sinh nhận ra “tâm ý” mà yêu thích môn Văn, ngày càng đổi thay theo chiều hướng tích cực.
Sóc Trăng, ngày 07 tháng 05 năm 2024
Người viết
Bùi Thị Như Ngọc
– Tổ: Ngữ văn –